30 5 / 2022

Những Bệnh Thường Gặp Trên Cây Hoa Hồng (Phần 1)

Giống như những dạng sự sống khác, hoa hồng có thể bị tấn công bởi các loại sinh vật nguy hại. Trong bài này Thiên đường hoa sẽ giới thiệu đến các bạn những bệnh thường gặp trên cây hoa hồng.

Hoa hồng thường bị bệnh và dưới đây là 4 nhóm bệnh chính thường gặp trên hoa hồng gồm có:

- Đốm đen: thường xảy ra khi thời tiết mát mẻ và ẩm ướt (ví dụ như mùa xuân), bắt đầu từ các lá non và lan ra rất nhanh. Nếu không được phát hiện và xử lý sớm thì hậu quả rất khó lường. 

 
đốm đen trên lá hoa hồng

Đốm đen trên lá hoa hồng

- Gỉ sắt: thường xảy ra khi thời tiết đột ngột chuyển từ ẩm ướt sang khô ráo rồi lại ẩm ướt (nửa cuối mùa xuân).

 
bệnh gỉ sắt trên cây hoa hồng
 

Bệnh gỉ sắt trên cây hoa hồng

- Phấn trắng: xảy ra vào thời gian chuyển mùa từ xuân sang hè. Đây cũng là lúc mà nhiều loại nấm gây bệnh khác cũng xuất hiện.

 
bệnh phấn trắng trên cây hoa hong
 

Bệnh phấn trắng trên cây hoa hồng

- Sương mai: Bệnh này hay bị nhầm với bệnh đốm đen. Nhiều khi chúng ta thấy các vết đốm đen trên cây, ta phun thuốc, làm theo mọi chỉ dẫn trong sách, nhưng bệnh không thuyên giảm mà còn xuất hiện nhiều đốm đen hơn, thì rất có khả năng đó là bệnh sương mai. Bệnh này do 1 loại nấm khác với bệnh phấn trắng gây ra. Chúng ta có thể phát hiện nó dễ hơn nếu quan sát mặt dưới của phiến lá. Sự phát triển của bào tử nấm ở cả mặt trên lẫn dưới lá gây cản trở việc hấp thu ánh sáng mặt trời cần cho quang hợp.

 
bệnh sương mai
 

Dấu hiệu của bệnh sương mai

bệnh sương mai

Bệnh sương mai

Để phòng và trị những bệnh trên cho cây hoa hồng thì ngoài việc khử trùng khu vườn sau mỗi vụ hoa thì hãy dọn dẹp sạch sẽ mọi thứ, cắt tỉa thật kỹ cây hoa. Ngay khi phát hiện bệnh trên cây nào thì phải cắt phần bị bệnh càng sớm càng tốt để tránh lây lan. Phần cắt bỏ không nên tận dụng làm phân compost nữa, tốt nhất là vứt đi hoàn toàn.

Chúng ta cũng nên có biện pháp làm mái che để điều chỉnh lượng mưa mà cây nhận được, đặc biệt là vào mùa xuân. Có mái che sẽ giúp lá cây khô nhanh hơn để tránh bị đốm đen. Khi tưới cây, tránh phun mưa và tưới đẫm vào lá cây, vì đó là điều kiện lý tưởng để đốm đen phát triển. Tốt nhất nếu chúng ta có hệ thống ống dẫn nước tưới thẳng vào rễ. Còn nếu không thì chỉ cần cẩn thận khi tưới sao cho không làm ướt lá là được.

Ngoài các bệnh do nấm và vi khuẩn gây ra, hoa hồng còn có thể bị ảnh hưởng bởi côn trùng gây hại. Cách khắc phục tốt là tự tay bắt côn trùng, hoặc phun nước với áp suất mạnh để côn trùng bị rửa trôi (cách này cũng nên áp dụng với bệnh phấn trắng, phun rửa trôi hết các phấn trắng trên cây). Tất nhiên là không nên làm như vậy thường xuyên (vì sẽ gây đốm đen), nhưng cách khoảng 3-4 ngày phun xịt một lần như vậy sẽ giúp giảm bớt bệnh phấn trắng và sương mai. 

Trên thực tế, nếu hoa hồng được trồng trong nhà có mái che hoặc trong nhà kính để điều chỉnh được lượng mưa, gió và độ ẩm thì hoa hồng rất ít khi bị bệnh đốm đen, nhưng lại không ngăn được bệnh gỉ sắt.